Ai làm đau tiếng Việt?: Đừng để cái sai cứ ung dung tồn tại

VHO- Ấn phẩm Ai làm đau tiếng Việt? của NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ra mắt đã gây sự chú ý không chỉ trong giới nghiên cứu ngôn ngữ mà còn được dư luận rất quan tâm. Theo tác giả, TS Ngôn ngữ học Hồ Xuân Mai, mục đích của cuốn sách là cung cấp cho bạn đọc những cái sai trong việc sử dụng tiếng Việt hiện nay và cách để khắc phục nó.

Ai làm đau tiếng Việt?: Đừng để cái sai cứ ung dung tồn tại - Anh 1

 Tác giả cuốn sách cho rằng, cần sớm có một giải pháp về tiếng Việt

 Tiếng Việt đang rơi vào tình trạng rất bi đát

TS Hồ Xuân Mai cho rằng: “Khoảng vài chục năm qua, rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng viết/nói sai tiếng Việt, sai tới mức rất đáng giận. Thế nhưng không một cơ quan chức năng nào đứng ra bảo vệ. Đâu đó cũng có nói rằng cần bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Các cơ quan truyền thông nói nhưng rồi rơi vào im lặng. Các nhà chuyên môn biết nhưng rồi bất lực, không cách nào vực dậy được… Đứng trước thực trạng này, tôi viết quyển Ai làm đau tiếng Việt?”. Tác giả nhận định, cái sai của tiếng Việt hiện nay biểu hiện qua nhiều mặt, cơ bản có 3 mặt dễ thấy nhất là: Sử dụng dư thừa, sử dụng sai cấu trúc và sử dụng sai từ.

“Hiện trạng sử dụng dư thừa từ ngữ một cách vô tội vạ đang rất phổ biến, nhất là các đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương. Tôi nói ví dụ câu: “Ngân hàng Đ.A cho Công ty cho thuê Tài chính XX vay 1.000 tỉ đồng để thu lãi”, có hoạt động cho vay nào mà không thu lãi? (Trừ ngôn ngữ văn hóa của cư dân vùng sông Hồng, bởi “vay” ở đó có khi chỉ là mượn: “Sang ơi, mày sang nhà bác San vay giúp mẹ bát gạo”, “vay chai mắm”, “vay nắm trà”… Đây là ngôn ngữ văn hóa, chúng ta không bàn tới). Thứ nữa, trong tít trên, ai thu lãi? Ngân hàng Đ.A hay là Công ty cho thuê Tài chính?... Rất nhiều tên/tít bài báo đặt kiểu như vậy, vừa dư thừa vừa không rõ ràng. Có thể nói, các cơ quan truyền thông là một trong những nguyên nhân đẩy tiếng Việt rơi vào tình trạng bệ rạc, có thể gọi là đen tối như ngày nay”, TS Mai tâm tư.

TS Mai tiếp tục phân tích, nhìn vào ngôn ngữ ta thấy trong 3 yếu tố thay đổi nhiều nhất là ngữ âm, từ vựng và cấu trúc ngữ pháp. Cấu trúc ngữ pháp của một ngôn ngữ thay đổi chậm nhất, lâu nhất, thế nhưng thế hệ trẻ của chúng ta đang thay đổi cấu trúc ngữ pháp rất nhanh, và… cũng rất sai. Ví dụ: “Công an đã bắt được bọn cướp”, đây là cấu trúc đúng xưa nay, nhưng người trẻ lại nói: “Bọn cướp bị bắt bởi Công an”, thì câu này là sai. “Tôi đếm độ tuổi và tần số xuất hiện thì phát hiện ra rằng những đối tượng nói kiểu này sử dụng tiếng Anh khá tốt. Khi nói, họ chuyển sang câu bị động của tiếng Anh, rồi lại dịch ra tiếng Việt nên thành ra câu sai.

Một cái sai lớn nữa về mặt cấu trúc mà tôi cho rằng cần phải lên tiếng chấn chỉnh ngay. Hiện nay xã hội có một bệnh rất nặng là nói mà không cân nhắc, không suy nghĩ. Nếu có ai bảo: “Cảm ơn cục đá nhé, nhờ mày mà tao không trượt dốc!”, thì chỉ là câu nói vui về sự may mắn của mình; hay: “Cảm ơn hàng cây đã cho ta bóng mát!”, thì đó là cách nói nhân hóa, là sự biết ơn đối với cuộc sống… Còn những câu như “Xin cảm ơn (về) bài phát biểu của…”, “Xin cảm ơn sự đồng hành của nhãn hàng…”, “Xin mời tiếng hát của ca sĩ…”… thì lại hoàn toàn khác. Ở đây, chúng ta không thấy sự nhân hóa nào, cũng không phải là nói cho vui. Đó là hành động của một/những con người cụ thể, vậy thì ta phải cảm ơn họ - những người tạo ra hành động đó. Sao chúng ta không cảm ơn ông/ bà A, đơn vị B, xin mời ca sĩ C… bởi những “bài phát biểu”, “sự đồng hành”, hay “tiếng hát” kia có biết nghe đâu mà mời hay cảm ơn. Những câu nói kiểu này bao nhiêu năm nay giờ đã thành quen, sai đã thành ra đúng, điều này là vô cùng nguy hiểm. Cách nói đó đã đánh tráo khái niệm rằng con người tạo ra hành động đẹp thì không được cảm ơn mà lại cảm ơn kết quả tạo ra, như thế là chúng ta đã gắn cho vật vô tri vô giác cái hiểu biết. Tiếng Việt chúng ta đang sai từ việc xây dựng cấu trúc, từ ngữ, đến sử dụng nội dung…”, TS ngôn ngữ học lo lắng.

Cần có cơ quan lập pháp về ngôn ngữ

Tác giả cuốn sách cho rằng, hiện nay dấu ấn của ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh dùng trong tiếng Việt rất nhiều, nhưng cách dùng không đúng đã làm cho cấu trúc tiếng Việt bị sai. “Ngôn ngữ không phải là thứ bất biến. Nó thay đổi theo thời gian và không gian. Chẳng hạn, thời gian khiến cho tiếng Việt dần mất đi các tổ hợp phụ âm đầu, trở thành đơn tiết như hiện nay. Nhưng chắc chắn quá trình này không diễn ra hoặc nếu có thì cũng sẽ rất chậm, không triệt để nếu như tiếng Việt không tiếp xúc với các ngôn ngữ khác. Quy luật của tiếp xúc ngôn ngữ là vay mượn. Kết quả của tiếp xúc là sự thay đổi bên trong của mỗi ngôn ngữ. Trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, hơn hai phần ba là từ vay mượn. Đó là kết quả của tiếp xúc giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ khác như tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Khmer… Nếu không có sự vay mượn này thì không có được tiếng Việt phong phú và trong sáng như hôm nay. Thế nhưng chúng ta vay mượn, tiếp nhận như thế nào, sử dụng ra làm sao đó là một chuyện khác. Ta mượn của người nhưng phải phù hợp với văn hóa dân tộc ta, nếu không, ngay lập tức nó sẽ quay trở lại làm lực cản đối với sự trong sáng của tiếng ta. Đó là một trong những cái mà tôi cho rằng chúng ta cần phải xem xét”, ông nói.

Theo TS Mai, có ba nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tiếng Việt hiện nay, bao gồm việc dạy ở bậc tiểu học rồi lên dần các cấp học tiếp theo, tất cả đều có vấn đề nghiêm trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ. Thứ đến là sự tác động rất lớn từ phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là đài truyền hình, khi mà trên đó cứ liên tục phát ra thì những câu sai, dùng khái niệm chưa đúng… Điều này cứ lặp lại thì xã hội tưởng đâu như thế là chuẩn, lớp trẻ lớn lên cứ thế mà sử dụng. Lý do thứ ba là về mặt pháp lý, chưa có cơ quan nào đứng ra bảo vệ tiếng Việt. Tác giả cuốn sách cho rằng, cần sớm có một giải pháp về tiếng Việt, cụ thể là cơ quan lập pháp ngôn ngữ, vì chừng nào chưa có cơ quan xử phạt, chừng nào còn buông lỏng tiếng Việt, chừng nào còn tình trạng không ai kiểm soát tiếng Việt, cái sai trong sử dụng tiếng Việt vẫn còn tồn tại.

TS Mai thông tin thêm, sách tiếp theo ông đang viết là Ai bôi nhọ tiếng Việt?, hiện tác giả đang hoàn thiện để gửi đi in. Sách này nghiêng về tính học thuật hơn, sẽ bàn sâu hơn về những vấn đề đã đặt ra trong quyển Ai làm đau tiếng Việt?. Cùng với đó, quyển sách thứ ba cùng chuỗi nội dung này với tựa đề Chính sách ngôn ngữ: Lý luận, thực tiễn và giải pháp cũng đang được xúc tiến. “Sách dày 300 trang, mang tính chất học thuật thuần túy. Đây có thể coi như nỗ lực của chúng tôi trong việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt, vực dậy ngôn ngữ nước nhà”, TS Hồ Xuân Mai bày tỏ. 

Có ba nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tiếng Việt hiện nay, bao gồm việc dạy ở bậc tiểu học rồi lên dần các cấp học tiếp theo, tất cả đều có vấn đề nghiêm trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ. Thứ đến là sự tác động rất lớn từ phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là đài truyền hình, khi mà trên đó cứ liên tục phát ra thì những câu sai, dùng khái niệm chưa đúng…

Điều này cứ lặp lại thì xã hội tưởng đâu như thế là chuẩn, lớp trẻ lớn lên cứ thế mà sử dụng. Lý do thứ ba là về mặt pháp lý, chưa có cơ quan nào đứng ra bảo vệ tiếng Việt. Vì thế, cần sớm có một giải pháp về tiếng Việt, cụ thể là cơ quan lập pháp ngôn ngữ, vì chừng nào chưa có cơ quan xử phạt, chừng nào còn buông lỏng tiếng Việt, chừng nào còn tình trạng không ai kiểm soát tiếng Việt, cái sai trong sử dụng tiếng Việt vẫn còn tồn tại.

(TS HỒ XUÂN MAI)

 TÙNG THƯ

Ý kiến bạn đọc